Khi phụ nữ học khoa học tự nhiên – Những khó khăn

Khi đọc bài viết của bạn Truong Thanh Mai về phụ nữ với tiêu đề “Phụ nữ có thể giúp đỡ phụ nữ như thế nào? “, làm mình suy nghĩ khá nhiều, không chỉ về định kiến về giới nữ trong nghiên cứu khoa học mà còn cả những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong quá trình làm nghiên cứu. Những điều Mai kể đều đúng với hầu hết tất cả các lĩnh vực nghiên cứu, riêng ở bài viết này mình chỉ muốn chia sẻ một chút những khó khăn mà riêng phụ nữ phải đối mặt trong lĩnh vực nghiên cứu về khoa học tự nhiên. Có thể đúng hoặc sai tùy theo ngành học nhưng đây là trải nghiệm của cá nhân mình.

Mình cũng đang làm nghiên cứu sinh và cả hai giáo sư hướng dẫn cho bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ đều là nữ, mình nhận ra rằng, con đường để trở thành một nhà nghiên cứu thực sự chông gai mà có lẽ không phải một người phụ nữ nào cũng đủ dũng cảm để vượt qua và trở thành một nhà nghiên cứu hay giáo sư/phó giáo sư được.

Nghiên cứu trong lĩnh vực Hóa/Lý/Sinh chuyên về thực nghiệm như tụi mình hầu như đều phụ thuộc 100% vào phòng thí nghiệm, đặc biệt phụ thuộc vào hóa chất và thiết bị máy móc. Nếu bạn nào đã đọc bài viết của mình “Một ngày trong phòng thí nghiệm “thì sẽ cảm nhận quy trình chặt chẽ của phòng thí nghiệm. Vì phải tiếp xúc với máy móc và hóa chất nhiều nên mình phải được đào tạo một cách kỹ càng trước khi tự mình có thể làm thí nghiệm.

Với phụ nữ thì sự ảnh hưởng của hóa chất càng nhiều. Quá trình tiếp xúc nhiều với hóa chất sẽ ảnh hưởng đến cơ thể của người phụ nữ và có thể sẽ ảnh hưởng đến con cái sau này. Nếu có bất cứ sai sót nào cũng có thể gây nguy hiểm, nhẹ thì chỉ bị chóng mặt hay bỏng, nặng thì đánh đổi bằng cả tính mạng. Có lần, một bạn trong lab mình đã bảo quản hóa chất không đúng cách nên mùi hóa chất tỏa ra nồng nặc trong phòng thí nghiệm. Hôm đó duy nhất chỉ có mình làm việc ở trong phòng thí nghiệm, mà lại là thứ 6 nên mọi người đều về sớm, mình cố gắng nhắn cho mọi người về tình trạng đó và rời khỏi phòng thí nghiệm sớm nhất có thể. Sau đó mình đi về để đi làm thêm ở quán Ý nên tắt điện thoại luôn. Sau khi tan làm về nhà, mở điện thoại ra nhận được vài chục cuộc gọi và tin nhắn từ giáo sư và bạn bè. Họ cố gắng gọi mình vì sợ mình đã hít mùi hóa chất quá nhiều và đã ngất xỉu hay ‘nghẻo’ luôn ở đâu đó rồi. Họ gọi không được lại càng lo lắng vì ai cũng biết tác hại của hóa chất, dù tiếp xúc bằng cách gì đi chăng nữa đều gây hại. Nhưng may mắn là hóa chất đó chỉ nặng mùi thôi, tiếp xúc với cơ thể thì nguy hiểm nhưng ‘lỡ’ hít một chút như mình thì không sao vì cơ thể sẽ tự đào thải, nhưng chắc nếu mang thai thì chắc có sao á. Anh bạn người Úc đang về thăm nhà cũng phải gọi điện, nhắn tin xin lỗi rối rít vì đó là hóa chất mà bạn ấy đang dùng. Đó chỉ là một ví dụ mà hầu như ai ít nhiều cũng gặp phải trong phòng thí nghiệm. Nhưng trường hợp của Marie Curie hay bạn mình thì lại khác. Marie Curie, một nhà nghiên cứu lỗi lạc, người đạt 2 giải Nobel cho vật lý và hóa học, đã mất do chính bức xạ của chất phóng xạ mà bà đã nghiên cứu ra trong quá trình nghiên cứu trong thời gian dài. Hay một người bạn đang học tiến sĩ mà mình biết đã phải chuyển sang một hướng nghiên cứu khác khi biết rằng chất thủy ngân mà bạn ấy tiếp xúc trong quá trình làm thí nghiệm có thể đi vào cơ thể bạn ấy và trong thời gian dài nếu sau này bạn ấy muốn có con thì sẽ gây ra tình trạng chậm phát triển và có thể dẫn đến bại não.

Ngoài hóa chất ra thì ảnh hưởng của máy móc thiết bị nghiên cứu có thể gây hại đối với cơ thể, không nhiều đối với người khỏe mạnh nhưng cực kì hại đối với phụ nữ mang thai. Hầu hết những máy móc mà mình dùng đều có điện áp cao, lên đến 415 Volts. Với tụi mình, việc làm thí nghiệm không chỉ mỗi việc vận hành máy móc mà phải kiểm tra và sửa chữa nếu gặp vấn đề. Ngoài ra còn có thiết bị sử dụng tia UV, tia lazer hay sóng siêu âm.

Nên hầu như con gái học ngành này rất ít ai mang thai trong quá trình học lắm.

Nhưng một trường hợp duy nhất mà mình biết trong hơn 3.5 năm làm tiến sĩ – một bạn bên lab Hóa, bạn ấy mang thai ở năm thứ 2 tiến sĩ, kể từ đó bạn ấy gần như không vào lab mà chỉ ở trong văn phòng để xử lý những số liệu. Mà bạn biết rồi đấy, với đặc tính của ngành học như tụi mình, bạn ấy không thể ngồi ở văn phòng để làm khảo sát hay đọc tài liệu được. Không vào phòng thí nghiệm đồng nghĩa với việc không có kết quả để mà xử lý hay viết báo, viết luận văn để tốt nghiệp. Từ lúc mình biết bạn ấy có thai cũng là lúc mình không gặp bạn ấy trong phòng chung của khoa nữa. Bạn ấy đã nghỉ thai sản và quay trở lại trường sau hơn 1 năm. Những đứa bạn cùng bắt đầu chương trình tiến sĩ với bạn ấy giờ đã ra trường và về nước hết rồi, trong khi bạn ấy vẫn đang loay hoay với con cái, lo lắng về kết quả thí nghiệm.

Trường hợp của giáo sư mình, cô ấy học liên tục từ đại học lên tiến sĩ, theo đuổi chương trình sau tiến sĩ ở Anh, sau đó theo chồng qua New Zealand làm thêm tiếp sau tiến sĩ nữa, rồi mở phòng thí nghiệm như bây giờ. Sau khi mở phòng thí nghiệm, tuyển những bạn nghiên cứu sinh đầu tiên, cô bù đầu làm thí nghiệm với sinh viên vì mọi thứ quá mới mẻ, cho đến khi sinh viên đầu tiên của cô ra trường, cô mới bắt đầu nghỉ đến chuyện có con, ở tuổi 35. Và từ ngày cô mang thai đứa con đầu lòng rồi đứa thứ hai đến giờ, cô không vào phòng thí nghiệm nữa. Không có một người phụ nữ, người mẹ nào có đủ can đảm để bước vào phòng thí nghiệm khi biết rằng điều đó có thể gây hại đến con của mình khi mọi thứ xung quanh mình đều có thể gây hại. Họ chấp nhận hy sinh sự nghiệp đang lên của mình để lui về làm mẹ. Sau khi cô có 2 đứa con xinh xắn đáng yêu, đồng nghiệp của cô, chồng cô những người bắt đầu cùng lúc với cô, giờ đã là giáo sư/ phó giáo sư, trong khi cô vẫn chỉ là Senior Lecturer. Đừng hiểu lầm mình rằng chồng cô không giúp gì cho cô, thực tế là cô được sự hổ trợ tốt nhất từ chồng như con đau ốm, chồng là người ở nhà chăm con để cô đi đến trường, nửa đêm con thức giấc, chồng vẫn là người thức dậy đi dỗ và cũng phải trông giữ chúng để cô đi dự hội nghị, hội thảo các thứ.

Bản thân cô chịu không ít áp lực từ trường, từ khoa, và cũng từ chính sinh viên của cô nữa. Một bạn học trước mình, bạn ấy được nhận vào khi cô mang thai đứa đầu tiên, sau đó liên tiếp đứa thứ 2, chính bạn ấy cũng bị trầm cảm. Trong suốt hơn 3 năm tiến sĩ, giáo sư mình mang thai 2 lần, nghĩa là bạn ấy gần như tự bơi một mình giữa những thí nghiệm ngổn ngang, giữa những vấn đề cần được thảo luận và cần lời khuyên của giáo sư. Mặc dù rất giỏi và nổ lực, nhưng khi bạn ấy ra trường vẫn không có bài báo khoa học nào được đăng. Và kết quả là hội đồng phản biện gây khó dễ cho bạn ấy, yêu cầu bạn ấy phải làm thêm thí nghiệm. Mãi đến 1 năm sau ngày bảo vệ, bạn ấy mới chính thức được tốt nghiệp.

Áp lực bài báo trong lĩnh vực mình học là cực lớn vì quá khó để ra bài. Mình từng biết vài bạn làm bên kinh tế, xã hội đã có bài báo được đăng khi mới làm năm 1 hoặc năm 2 tiến sĩ, có khi chỉ trong 4 năm tiến sĩ đã có tới 5-10 bài báo được xuất bản. Với tụi mình, năm 1 mới chỉ làm quen với máy móc thiết bị, năm 2 mới bắt đầu làm và thất bại, năm thứ 3 chưa có kết quả gì thì đã sắp ra trường. Tụi mình làm ngày làm đêm, làm thí nghiệm đến mức rụng cả tóc, bạc cả đầu mà vẫn không đủ kết quả để viết báo. Và có bạn ra trường mà vẫn chưa có bài đăng báo nào, được 1 bài cũng mừng lắm rồi. Họ là những người giỏi và chăm chỉ hơn bất cứ ai mà mình gặp, nhưng vì đặc thù của thí nghiệm nên rất khó để có kết quả tốt hoặc tốt hơn những bài báo đã được đăng. Có bạn thay vì làm thí nghiệm thì chạy chương trình mô phỏng để có kết quả ra trường, vì dù sao chạy mô phỏng còn “đỡ cực” hơn là làm thực tế.

Bạn biết không, ai trong số những người phụ nữ mà mình gặp ở trong khoa, đều có hoài bão và ước mơ thay đổi thế giới. Thực sự là như vậy. Những nghiên cứu của họ sẽ và đã thay đổi, cải tiến và mang lại những ứng dụng mang tính thực tiễn trong ngành y học và khoa học công nghệ cho thế giới. Chẳng phải Marie Curie đã nghiên cứu ra cách để điều trị khối u bằng các đồng vị phóng xạ. Donna Strickland (Nobel Vật Lý 2018) đã có nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực vật lý laser. Emmanuelle Charpentier (Nobel Hóa học 2020) đã phát triển phương pháp chỉnh sửa gene. Những nghiên cứu mà họ phát hiện sẽ và đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Sinh học, Y học và Khoa học công nghệ, thay đổi tương lai của cả thế giới chứ không chỉ một quốc gia cụ thể nào.

Trong 120 năm, chỉ có 57 phụ nữ được trao tặng giải Nobel trong khi đó ở nam giới là 876? Trong 57 giải được trao cho phụ nữ, có 16 giải Nobel Văn học, 17 giải Nobel Hòa bình, chiếm gần 57%, nhưng chỉ có 7 giải Nobel Hóa học và 4 giải Nobel Vật Lý. Đó là chưa kể, Marie Curie được trao đến 2 lần cho Nobel Hóa học và Vật Lý. Phụ nữ được trao giải Nobel đã ít nhưng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên còn ít hơn. Trong khi đó, ở nam giới, Nobel cho lĩnh vực Hóa học là 179 và Vật Lý là 212, chiếm hơn 44% trong tổng số giải Nobel được trao cho nam.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ trong ngành STEM (Science, Technology, Engineering and Mathematics) có ít bài báo nghiên cứu được đăng hơn, trả lương ít hơn và không tiến xa được so với nam giới. Theo số liệu thống kê của UIS (UNESCO Institute for Statistics), chỉ có 30% nhà nghiên cứu trên thế giới là phụ nữ.

Sao tỉ lệ nữ giới trong lĩnh vực này lại ít một cách đáng nói như vậy?

Quá nhiều định kiến? quá nhiều khó khăn? phụ nữ không thông minh bằng nam giới?

Mong nhận được suy nghĩ của các bạn, mình sẽ viết một bài về vấn đề này sau.

7 thoughts on “Khi phụ nữ học khoa học tự nhiên – Những khó khăn

  1. Cảm ơn bài viết của bạn! Mình đã biết thêm được rất nhiều khó khăn của phụ nữ trong ngành tự nhiên. Phụ nữ ở ngành nào cũng vậy nhỉ, luôn thiệt thòi hơn nam giới. Nhưng ít nhất phụ nữ ngành xã hội không phải lo lắng về sức khoẻ. Đọc bài của bạn xong, mình thấy rất khâm phục những người phụ nữ theo con đường này! !

    Liked by 1 person

  2. Nhớ hồi tui học đại học, có đứa bạn nam bên IT qua khoa tui (Hóa-Sinh) bảo trời cái mùi này mà mấy bạn chịu nổi mấy năm liền hả. Nó không biết là có ngửi được mùi có khi còn đỡ, có mấy chất không màu không mùi đôi khi đáng sợ hơn nhiều. Mà chính bản thân tui cuối cùng cũng bỏ nghề, một phần vì cũng sợ độc hại này nọ. Đọc bài này của bạn, dẫu không còn theo nghề bên lab nữa, nhưng thực sự là đồng cảm.

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn bạn. Vì đam mê nên mình theo được tới đâu thì tới chứ cũng biết là nếu có chồng có con thì cũng phải tìm con đường khác thôi.

      Liked by 1 person

      1. Hehe mình ko có gia đình tới thời điểm này. Tạm thời mấy đứa bạn cũng còn 1-2 bạn đã lập gia đình vẫn còn theo đường này, nhưng đúng là đa số nữ theo đường Research thì chưa lập gia đình nhiều hơn.

        Liked by 1 person

  3. Thiệt sự nể mấy bạn học ngành hóa. Đúng là mỗi người đeo đuổi một con đường đều phải có đam mê, nhưng thân làm phụ nữ còn sinh nở sau này nữa: ko có người mẹ nào dám đánh đổi sự an toàn của con bằng sự thăng tiến của mình.
    Chúc bạn nhiều sức khỏe và niềm vui để theo đuổi đam mê của mình.

    Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s