Đi du học là một mình kéo vali đến một chân trời hoàn toàn mới, đầy mới lạ, bỡ ngỡ và đôi khi còn bị sốc văn hóa nữa. Bài viết này mình muốn chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình sau 2 lần đi kéo vali đi du học, để cho những bạn nào sắp đi có thể tham khảo. Đây là bài viết chỉ mang tính cá nhân mình, mỗi người mỗi hoàn cảnh có thể khác nhau. Vậy những kỹ năng nào cần có và nên học trước khi lên đường đi du học?
1. Nấu ăn.
Học nấu ăn vừa là để tiết kiệm tiền ăn ngoài vừa để thỏa cơn thèm món Việt khi bạn ở những đất nước mà văn hóa khác hoàn toàn với Việt Nam, ví dụ như New Zealand.
Vì mình không thể ăn 1-2 món trong suốt cả tuần được, nên cũng lần mò lên trên mạng học cách nấu món mới, rồi chính mình là nạn nhân cho cái món ăn kinh khủng mà mình vừa tạo ra :). Tặc lưỡi, ráng ăn lần này rồi lần sau sẽ nấu ngon hơn. Và giờ thì mình biết cách đúc bánh xèo, bánh cuốn bằng chảo chống dính, nấu bún bò, phở, món kho đủ loại. Dù không ngon như ngoài hàng nhưng nói chung cũng đủ nuôi thân béo tròn. Nếu bạn nào chưa biết nấu ăn thì nên học một khóa trước khi lên đường, hoặc nhờ mẹ dạy cho vài món cơ bản trước.
2. Quản lý chi tiêu
Có bao giờ bạn đi làm nhận lương, hoặc được ba mẹ cho tiền, rồi ……vèo một cái không biết tiền đã đi đâu mất mà mới có giữa tháng ah? Việc chi tiêu quá tay sẽ làm bạn sống rất chật vật vì giống như đầu tháng sống sang chảnh như ông/bà hoàng, cuối tháng như ăn mày. Mình cũng từng bị vậy, tiền học bổng chuyển vô tài khoản một cái là đi dạo phố liền, rồi không biết đã mua gì mà tiền đi đâu mất tiêu.
Mình sau đó phải học cách quản lý chi tiêu và mình đã tìm được cái app cho Android gọi là Monefy hoặc Money Manager, việc bạn làm chỉ cần nhập vào những khoản tiền bạn có, bạn đã chi tiêu, rồi xem số tiền còn lại bao nhiêu rồi cuối tháng xem lại mình đã tiêu cho việc gì, mình bị hết tiền do những khoản nào. Để tháng sau điều chỉnh lại.
3. Tự học
Khi đi du học, kỹ năng tự học của mình cũng tăng rất nhanh. Thay vì thấy khó bỏ qua hay tìm người để hỏi như trước, thì giờ đây mình phải tự tìm cách để giải quyết nó, nếu không học tốt thì sẽ bị mất học bổng. Hơn nữa, không ai rảnh để trả lời tất cả những thắc mắc của bạn hay hướng dẫn bạn phải làm sao để được điểm cao.

Mình phải tự học cách tìm kiếm tài liệu tổng hợp từ nhiều nguồn như internet, thư viện ebook, sách, tạp chí chuyên ngành…Nhưng nếu bạn đọc tài liệu xong thấy hay quá lưu lại, nhưng khi đọc lại thì không biết nó ở đoạn nào hay bài nào trong nguyên tập tài liệu mà bạn vừa mới tải về. Mình thường hay dùng Evernote để ghi chú, trích dẫn lại những ý quan trọng thôi. Lưu theo chủ đề/tên môn học để dễ tìm sau này.
4. Quản lý thời gian
Đi du học, bạn phải đối mặt với hàng đống bài tập để làm, báo cáo thì đến vù vù, rồi nào là phải lên lớp học, hoặc đi dự hội thảo, sự kiện, chưa kể bạn phải đi làm thêm hay tham gia những buổi picnic với bạn bè. Bạn cảm thấy bế tắc khi mà công việc dồn đống lại.

Lúc này cần phải dùng tới Google Calendar. Bạn sắp lịch cho tất cả những việc bạn phải làm vào calendar, rồi nhìn vào đó bạn sẽ phân bổ thời gian trống còn lại trong ngày để thực hiện những công việc ngoài lề. Nếu bạn cảm thấy ngày nào cũng kín lịch thì bạn nên biết điều phối lại công việc, hủy một số sự kiện không quan trọng để dành thời gian cho những việc quan trọng hơn. Hay ra ngoài tập thể dục cũng là một cách để tăng hiệu quả tập trung giải quyết công việc.
5. Hòa nhập và ứng xử
Dù bạn sinh ra trong một gia đình ai cũng chiều theo bạn, bạn chưa phải gây xung đột với bất kì ai hay chưa phải làm hài lòng ai thì bạn càng phải học cách ứng xử. Theo mình kỹ năng hòa nhập và ứng xử là một trong những kỹ năng quan trọng nhất bên cạnh khả năng học tập giỏi giang của các bạn. Trường hợp mà mình muốn đề cập là bạn mình, anh ấy đã phải bỏ học sau 1 năm ở Đài Loan để trở về nước vì không thể hòa nhập được với môi trường làm việc ở Đài Loan, còn kinh khủng hơn nữa là cách ứng xử của anh ấy làm cho mọi người khó chịu dẫn đến bị cô lập và bắt nạt. Mọi người hầu như ai cũng thân thiện với sinh viên quốc tế, nhưng đừng đẩy bản thân mình vào hoàn cảnh mà ai cũng ghét hoặc không thể sống chung với bất cứ ai. Bạn không nên coi mình là duy nhất và ai cũng phải làm hài lòng bạn. Bạn nên để ý cách mà mọi người ứng xử xung quanh bạn để điều chỉnh cho hợp lý vì với một nên văn hóa mới thì đôi khi chuyện bạn coi là bình thường thì đối với người khác là một sự xúc phạm. Bạn giỏi nhưng không phải người khác ngu, việc thiếu ứng xử và không thể hòa nhập với cộng đồng chỉ làm bạn thiệt thòi mà thôi.

6. Làm các công việc không tên
Công việc không tên bao gồm dọn dẹp nhà cửa hay phòng ngủ của bạn, đi chợ, giặt giũ…..

Vì sao nó quan trọng?
Bạn ở nhà có ba/mẹ/chị dọn dẹp cho bạn, nhắc nhở bạn phải làm cái này cái kia hay giặt giũ cho bạn, nhưng khi bạn đi du học, bạn ở một phòng riêng hay ở chung với bạn cùng phòng thì bạn cũng phải biết dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, vì nếu bạn ở quá dơ hoặc không làm việc nhà thì đôi khi sẽ có xung đột với bạn cùng phòng/cùng nhà rồi gây xích mích chỉ vì việc cỏn con đó. Người ta nói : “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Bạn muốn sống trong một căn phòng sạch đẹp hay giữa một bãi rác? Nếu vậy thì đứng dậy mà dọn đi. Chưa kể, chẳng ai thích ở cạnh một người ở dơ và hôi (vì không chịu giặt đồ). Thường thì mình sẽ không ngửi được mùi cơ thể của chính mình nhưng người bên cạnh ngửi rất rõ đấy.
Chưa kể, mình còn học được cách thông ống cống nữa vì kêu thợ thì tốn rất nhiều tiền. Cái gì mà liên quan đến tiền là mình tự mày mò làm được chừng nào hay chừng đó.
Những kỹ năng tưởng chừng như rất nhỏ nhưng bạn biết trước thì cuộc sống du học sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Chúc bạn có một hành trình du học đầy niềm vui và hạnh phúc. Hãy tận hưởng cuộc sống du học nhé.
Nếu các bạn biết thêm những kỹ năng nào nữa thì chia sẻ trong phần comment bên dưới nhé.