Mình đã từng bật cười một cách vô thức khi lần đầu qua New Zealand và được một người bạn nói rằng “Wellington – Coffee capital of the world”. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, cà phê len lỏi khắp mọi con phố, ngõ ngách, thì cà phê là thức uống mà một người Việt Nam tự hào. Chưa kể, Việt Nam còn vượt qua cả Brazil để đứng đầu về xuất khẩu cà phê ra thế giới. Vậy mà, New Zealand, cụ thể là Wellington, nơi không có một cây cà phê nào được trồng, lại được mệnh danh là thủ đô cà phê của thế giới. Buồn cười thật.
Rồi mình nhận ra, mình bị trói buộc bởi định kiến và trải nghiệm của chính bản thân mình. Từng ngày một, mình dần yêu thích vị cà phê “lạt nhách” nơi đây. Và rồi lâu dần, mình yêu thích mùi cà phê thoang thoảng qua những con phố, tiếng gõ lách cách của bạn phục vụ khi pha chế, hay những hạt cà phê bóng bẩy nằm trong máy pha và đang đợi thực khách order để phục vụ.

Có một hôm anh bạn mình muốn thử cà phê Việt Nam khi hai đứa vô một nhà hàng Việt để ăn tối – Cà phê pha phin đúng chuẩn Việt Nam. Vẫn là cà phê và sữa đặc nhưng hình như có gì đó không đúng. Không đúng vị cà phê mình từng uống. Dù được anh bạn khen ngon và lạ, nhưng với mình thì chẳng khác gì cà phê bên này, chỉ khác là thay vì dùng sữa tươi thì dùng sữa đặc mà thôi. Hay có khi mình nhớ cái không khí uống cà phê ở Việt Nam cũng nên, tấp chiếc xe gắn máy vô lề đường, đứng chen chúc để gọi ly cà phê sữa đá, chen lấn để cầm được ly cà phê mát lạnh trong tay vào ngày nắng nực, rồi…. hút một hơi thật sâu và thật lâu, một tiếng hà…aaa ra thật đã, quẹt mồ hôi trên trán, treo ly cà phê trên xe rồi thong dong lái về nhà. Nhớ những hôm hẹn bạn ra cà phê, 2 đứa ngồi trên cái ghế nhựa trong con hẻm sâu, 2 ly cà phê được đặt trên một cái ghế nhựa khác làm bàn, rồi 2 đứa bạn tám chuyện trên trời dưới đất từ sáng tới trưa muộn, vẫn chỉ 1 ly cà phê. Cà phê thời đó nó ngon quá trời luôn ah.
Tìm hiểu thêm một chút về sự khác biệt về hương vị, mình mới biết rằng, ở Việt Nam, cà phê được trồng chủ yếu là Robusta, vì thích hợp với điều kiện nhiệt đới ở Việt Nam (trên 25 độ C). Vị của Robusta hơi đắng nhẫn, chua chua và hàm lượng caffein cao. Đây có phải là lý do mà mấy anh Tây qua uống một ly cà phê to bự ở Việt Nam xong là say xẩm mặt mày. Trong khi đó cà phê được bán ở New Zealand đa phần là Arabica – vị đắng dịu, hương thơm nhẹ nhàng và ít hàm lượng caffeine hơn cho nên uống vài cốc cà phê một ngày vẫn không sao.
Tuần nào mình cũng đi ra quán cà phê, có khi với bạn, có khi một mình, nhưng mình thích không khí của buổi sáng cuối tuần đẹp trời, đi dạo ra bờ biển, order một ly flat white dịu nhẹ được trang trí hình trái tim bằng bọt sữa và nhìn ngắm mọi người qua lại. Hay có khi chỉ cần ly cà phê ấm nóng , ngồi bên ô cửa sổ trong ngày mùa đông cũng đủ làm ấm lòng đứa xa quê. Cho đến khi qua New Zealand, mình mới biết uống cà phê nóng.

Vị đắng của cà phê còn trên đầu lưỡi, mình lại thèm cái gì đó ngọt ngọt. Kemmmmmm.
Có phải mình may mắn hay không mà lại sống ở Wellington. Wellington vừa được mệnh danh là thủ đô cà phê của thế giới, vừa có những món kem ngon nhất New Zealand.
Nói đến kem thì phải kể đến tiệm Kaffee Eis, vừa rẻ mà ngon với hơn 45 vị kem gelato trong đó có khoảng hơn 30 loại kem đã đạt giải thưởng. Tuy là có đến 45 vị kem gelato khác nhau từ đủ các vị trái cây, caramel, bơ đậu phộng cho đến rum raisin (một loại rượu với nho khô), nhưng mỗi ngày sẽ thay đổi menu khác nhau từ khoảng 20 trong 45 vị này. Cho nên đến bây giờ mình vẫn chưa thử được hết các loại kem ở đây. Vị kem gelato ở đây cũng rất khác, vị kem dẻo và béo hơn, thơm và tan ngay trong miệng.
Đã là tín đồ của cà phê và kem thì không thể bỏ qua món Affogato. Affogato có lẽ là thức uống yêu thích của mình trong những ngày cuối tuần đi dạo phố hay hẹn hò với bạn bè. Ngạc nhiên là rất ít người biết đến thức uống này, kể cả anh bạn người New Zealand hay cô bạn người Mỹ của mình đều lần đầu nghe đến khi lần đầu mình dẫn đi thử.

Affogato là sự tổng hòa vị đắng của cà phê espresso và vị ngọt dịu lạnh của kem. Sự bùng nổ của hương vị nơi đầu lưỡi là cảm nhận khi mình lần đầu tiên được nếm. Mà có lẽ ở đây, Wellington, mình mới cảm nhận được vị ngon của món thức uống này dù đã từng thử ở nhiều nơi.
Mình sẽ được thử vài loại kem khác nhau để chọn cho món affogato của mình, vị ngọt vừa và béo sẽ hợp với món affogato hơn là vị trái cây. Lựa chọn của mình thường là kem vị dừa (vì nó ít ngọt và có vị béo thơm của dừa), hoặc là vị bơ đậu phộng. Nhưng có lẽ vị kem ưa thích nhất của mình cho món này là Sea salt caramel. Mình phải chuẩn bị vài lựa chọn vì không phải lúc nào tiệm cũng có vị kem này. Ly affogato vị sea salt caramel phải đi kèm với 2 shot espresso thì mới đúng điệu. Nếu chỉ có 1 shot espresso thì vị ngot của kem sẽ át đi vị đắng của cà phê vì một scoop kem bên này khá to, mà mình thích cà phê đắng hơn là ngọt, cho nên mình luôn order 2 shots.
Bạn sẽ ngạc nhiên là làm sao vị muối biển caramel lại hợp với cà phê được. Vậy mà nó hợp một cách kì lạ đấy, bạn vẫn cảm nhận được một chút vị mặn của muối biển, vị đắng của cà phê, vị thơm ngọt dịu của caramel và béo ngậy của kem. Tất cả đều hòa quyện và như một bữa tiệc của hương vị diễn ra trên đầu lưỡi bạn. Yum!
Nhớ lần đầu tiên dẫn cô bạn trong office đi thử món Affogato. Cô bạn cầm ly affogato trên tay, quyện một chút cà phê vào kem và nhẹ nhàng nếm một muỗng nhỏ. Mình quan sát thấy nụ cười khe khẽ trên khuôn mặt bạn, nhưng bạn vẫn tiếp tục ăn mà không nói một lời nào. Vài phút sau, bạn quay ra nhìn mình với khuôn mặt rạng rỡ và nói “Nó ngon quá”. Cả hai cũng cười phá lên. Và rồi, affogato trở thành món yêu thích của bạn.
Nếu bạn yêu thích vị đắng thơm của cà phê và vị ngọt béo của kem, sao không thử affogato nè. Có lẽ bạn cũng sẽ yêu nó giống như mình.
Cho mình biết bạn cảm nhận của bạn ra sao nhé.
Chúc bạn một ngày cuối tuần vui vẻ.
Em cũng mới được bạn giới thiệu Affogato, và giờ ăn kem không có cafe thấy thiếu thiếu chị ạ :))
LikeLiked by 2 people
Chị cũng vậy.
LikeLiked by 1 person
Mình cũng thích Affogato. Lần đầu tiên mình thử là 5 năm trước, lúc đó mình xao xuyến mãi. Cf VN vượt Brazil chỉ là sản lượng xuất khẩu thô thôi. Còn về chất lượng cà phê thì VN còn đứng ở nơi rất xa so với với các nước khác.
Robusta và Arabica có hương vị khác nhau, độ đắng, chua và độ caffein cũng khá khác nhau nên khi sử dụng với sữa đặc và sữa tươi nó tạo ra một hương vị đặc trưng của nó. Dù sao thì với mình, cà phê đặc mà pha với Arabica là một hỗn hợp “ba trợn” 🫣
LikeLiked by 1 person
Mình đồng ý với bạn nè. Nhà hàng Việt bên này pha cà phê phin kiểu Việt Nam với Arabica, “chớt quớt” luôn.
LikeLiked by 1 person
Í, đọc lại mới thấy mình gõ nhầm, sữa đặc + cf pha bằng hạt arabica = trớt quớt. Mà chắc bạn hiểu rồi 😅
LikeLiked by 1 person