Leo núi Đài Loan ( Phần 1) – Qilai Moutain

  Qilai Mountain – 奇萊山 (3.560m) 

Núi Qilai là ngọn núi đầu tiên mình leo và cũng là nơi bắt đầu cho sở thích leo núi của mình sau này. Nhờ sở thích này mà sức khỏe mình tăng lên đáng kể. Và câu chuyện bắt đầu.

Hầu như tất cả các ngọn núi cao trên 3.000m so với mực nước biển thì đều phải có giấy phép leo núi. Hành trình xin cái giấy phép leo núi khá gian nan vì nhà nước chỉ giới hạn số người nhất định leo núi trong một ngày để bảo tồn vẻ thiên nhiên của núi. Những ngọn núi nổi tiếng ở Đài Loan thì nhóm mình không đăng kí được vì số lượng quá đông, nên cả nhóm đăng kí nhiều núi khác nhau, nhưng chỉ được chấp nhận cho leo núi Qilai này thôi. Lý do được chấp nhận cho leo cái núi này thì sau này mới biết – đợi tý kể sau.

Đầu tiên là thể lực. Vì đã dự định đi leo núi, mà núi khá cao và cũng là lần đầu tiên leo, nên mình rất quan tâm đến thể lực. Sức khỏe yếu từ bé, lại thêm cái bệnh hen suyễn nên việc di chuyển đường dài khá khó khăn đối với mình, chưa kể đến việc mang vác nặng. Mình dành 3 tháng để chạy bộ, ngày đầu tiên chỉ có 1 vòng sân vận động, và cách ngày leo 1 tuần thì mình đã đạt mức 15 vòng chạy liên tục, trung bình 3 phút/ vòng.

Nhóm mình gồm 4 thành viên, đều là bạn của nhau đến từ nhiều nơi: Việt nam (mình), Indonesia, Thái Lan và Đài Loan (bạn này làm leader vì biết tiếng trung). Mọi vấn đề về xin giấy phép do bạn Leader đảm nhiệm cả, vì dễ dàng hơn người nước ngoài. Tất cả thành viên đều máu me ăn chơi, thích mạo hiểm. Nên chuyến đi dù mệt, gặp nhiều khó khăn nhưng không có vấn đề gì xảy ra, càng đi lại càng muốn đi.

Thứ hai là khâu chuẩn bị. Vì đây là núi đầu tiên leo, nên cả nhóm chưa có kinh nghiệm gì hết, hành trình leo là 3 ngày 2 đêm, nên cả nhóm quyết định mua đồ ăn cho 4 ngày, lỡ có bị lạc thì còn sống để mà lết về hoặc đợi cứu hộ. Ngoài ra, vì leo vào tháng 2, dịp sau Tết 2015, nên có tham khảo là trên núi có tuyết. Cả nhóm lo sợ nên thuê đồ bảo hộ gồm giày đi tuyết, gậy bám tuyết và một số dụng cụ khác. Đến ngày xuất phát thì mới tá hỏa ra là mỗi đứa phải mang balo nặng ít nhất 17 kg, gồm có đồ ăn, túi ngủ, dụng cụ leo núi và quần áo ấm để mặc. Quá nặng để có thể đi được quảng đường dài 3 ngày.

Khi đi thuê đồ leo núi thì mới biết tại sao các núi khác đều bị từ chối cho leo, chỉ được mỗi cái núi Qilai này là cấp cho giấy phép leo. Bà chủ cho thuê đồ là một trong những cựu thủ leo núi, bà đã leo trên 20 ngọn núi ở Đài Loan, gồm có núi Yushan (cao nhất) và Xueshan (cao thứ 2). Nhưng bà chưa leo núi Qilai bao giờ, vì đây là một trong những ngọn núi nguy hiểm nhất , hiểm trở nhất và đặc biệt là không có nước uống trên núi. Nên số lượng người leo núi này không nhiều, không nhiều không phải là không có người leo, mà là không phải đợi lâu để có được cái giấy phép leo. Không có nước uống là một trong những lý do lớn nhất mà cả nhóm đã không lên được tới đỉnh núi, mặc dù chỉ còn cách đỉnh khoảng 1.5 km đường. Đây được mệnh danh là ngọn núi đen, vì số người tử vong trên ngọn núi này khá cao.

Và câu chuyện bắt đầu…………….

Đang sắp xếp đồ vào vali và đợi đứa bạn để chuẩn bị hành trình di chuyển lên điểm leo.

Thức dậy từ lúc 3h30 sáng để chuẩn bị. Vì đi quá sớm, và không có xe bus đến chân núi nên phải đi taxi. Hành trình di chuyển từ Đài Trung đến điểm leo là gần 4h xe. Ai cũng hăng hái lên đường khám phá thế giới – làm quá thôi chứ đâu đến mức vậy.

Cái này nhìn có quen hông? Đây là hình ảnh đoạn đường lên Hehuashan mà bài trước mình có đề cập. Núi Qilai này có điểm xuất phát từ núi Hehuashan và sau đó chia ra làm 2 hướng. Một hướng đi Hehuashan, một hướng đi Qilaishan.

Lấy đồ ăn sáng, kiếm tra lại đồ đạc, buộc lại dây, chuẩn bị leo. Nhìn vậy thôi chứ lạnh teo đấy. Mình đang mặc 3 lớp áo lạnh và 1 lớp áo thường.
375c4-sam_0035
Bắt đầu leo
Cột mốc báo hiệu đã di chuyển được 0.5km từ điểm xuất phát

Nếu bạn đi quá lâu mà không thấy cột mốc, thì hãy quay lại, vì có thể bạn đã bị lạc.

Cột mốc báo 1.5 km. View nhìn từ cột mốc này rất đẹp, bao quát cả một vùng trời.

Từ đây chân trời như mở ra phía trước mặt

Cột mốc 2.4 km. Nếu có biểu tượng điện thoại ở trên cộc mốc thì bạn có thể bắt được sóng điện thoại để gọi cấp cứu khi cần thiết, nhưng quá yếu. Ngoài những điểm này ra thì hầu như mất sóng hoàn toàn. Và nhắc lại, bạn phải có bảo hiểm mới được leo núi, vì nếu bạn có vấn đề gì trực thăng sẽ đến hốt bạn đi. Bạn không có bảo hiểm thì làm culi đóng tiền cũng không trả nổi đâu.

Nghỉ ngơi chụp choẹt. Vì mang nặng đến 17kg, tham khảo ý kiến những người trên đường đi, cả nhóm quyết định bỏ bớt dụng cụ đi tuyết ở lại, giấu vào bụi cây, đến lượt về thì đem về.  Cái mặt này là mặt vui mừng vì bỏ lại bớt đồ đấy.

Tới cabin thứ 1. Có bảng chỉ dẫn chi tiết còn bao nhiêu km thì đến cabin thứ 2.

Nghỉ ngơi ở cabin thứ 1. Chuẩn bị ăn trưa. Cabin này thường không ai ngủ ở đây, chỉ nghỉ ngơi lấy sức thôi. Vì nó quá gần so với điểm xuất phát.

Cả nhóm chia nhau mang theo xong nồi nầu, bếp nấu, và cơm đóng gói sẵn. Bạn có thấy gói cơm bên cạnh không? Vì áp suất nên nó phồng lên giống như quả bóng, chỉ chờ nổ thôi.

Hành trình tới cabin đầu tiên khá thỏa mái, không có đoạn nào nguy hiểm cả, chỉ mệt về thể lực thôi, tưởng đâu bà cho thuê đồ nói xạo. Làm gì mà nguy hiểm đến vậy chứ. Nhưng mọi thứ chỉ mới bắt đầu sau đó.

Em nó đây. Nhìn vậy chứ độ dốc của nó là 65 độ đấy. Mang balo nặng 15kg, đu dây như khỉ leo lên mấy cái rể cây này. Nhìn cái rể cây tưởng dễ leo, nhưng nó trơn lắm, đạp lên nó mà không chắc là nó trượt ngã chỏng gọng.

Và tiếp theo…..Nhìn cái này xong là chóng mặt rồi, muốn bỏ cuộc luôn, dốc nghiêng khoảng 80 độ, gần như thẳng đứng, phía dưới là vực thẳm. Có sợi dây thừng vắt vẻo bắt ngang núi cho bạn niú giữ. Xảy chân một phát là về gặp tổ tiên.

Vượt qua con dốc bên trên thì sẽ gặp đoạn này.

Đố bạn là mình đang leo lên hay leo xuống?…………Là leo xuống đấy. Chỉ có sợi dây mỏng manh để níu giữ tính mạng của bạn thôi. Chóng mặt là ngã nhé. Đoạn này phải nín thở đi qua, vì toàn đá. Đặt chân hụt một phát là lên đường. Mỗi lần chỉ đi được một người, vì hai người cùng đi thì dây sẽ bị căng, hoặc chùng. Nguy hiểm.

Và leo qua được đoạn này thì mình mới biết mình bị sốc độ cao. Vì là lần đầu tiên leo núi nên có biết sốc độ cao là gì đâu. Nhưng lên đến trên 2.000m thì những cơn đau đầu xuất hiện, càng lên cao càng đau. Làm mình tưởng tượng não mình giờ giống cái gói cơm lúc nãy, chỉ muốn nổ tung ra. Sốc độ cao cộng với bệnh hen suyển, lúc này mình di chuyển rất chậm. Càng lên cao không khí càng loãng, thở rất khó khăn.

Cuối cùng cái cabin thứ 2 cũng xuất hiện, lúc này khoảng 3h chiều. Đang tính nghỉ lại cabin này vì cả nhóm đã đuối sức rồi, nhưng đã kín chổ không còn đủ chổ cho 4 đứa đặt cái túi ngủ nữa. Cả nhóm quyết định nghỉ ngơi tý lấy sức đi tiếp lên cabin thứ 3.

Hành trình leo lên cabin thứ 3 càng khó khăn hơn. Nhưng phải lên được cabin thứ 3 thì mới ngủ được chứ, trời tối sao mà leo được. Cố thôi.

Như đã đề cập, Núi Qilai không có nước dự trữ, nên mấy bạn nam thay nhau vác nước khi đi ngang qua con suối. Đây là hình ảnh lúc qua con suối để đến bờ bên kia. Đường trơn do nước suối, độ dốc là hơn 60 độ. Bạn trong hình không thể vừa đi vừa mang nước, quá nguy hiểm vì phải bám vào dây. Nên chỉ mang được tới đó, bạn đi sau sẽ mang lên tiếp.

Mặc dù ngoài trời đang lạnh 2 độ nhưng đứa nào cũng toát cả mồ hôi, không phải đường dài, mà đường quá khó đi, toàn đá và đá, hoặc đu dây. Lúc luyện tập thì toàn chạy bộ, nên lúc leo, đu dây, bám đá nhiều quá nên tay mệt run cả lên.

Cuối cùng cũng tới cabin thứ 3, sau hơn 2h leo thì trời chập choạng tối. Cabin thứ 3 khá thô sơ, chỉ vài miếng tôn lợp lên và mặt sàn không cách đất. Điều này khá nguy hiểm, ban đêm trời rất lạnh, cái lạnh của đất thấm qua từng lớp của cái túi ngủ, và quần áo. Cả nhóm không thế ngủ được vì lạnh buốt tận xương thịt, mặc dù có bao nhiêu quần áo lôi ra mặc hết rồi mà vẫn lạnh. Chỉ mong trời sáng để đi tiếp.

View nhìn cách cabin thứ 3 không xa. Sau một đêm thức trắng vì lạnh, ngoài ra mình còn bị cơn đau đầu hành hạ suốt đêm nên không thể chợp mắt được giây phút nào. 5h sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị xuất phát. Nước nước suối mang theo cũng gần hết, ko có nước sạch đâu vì mang theo không đủ nước cho 3 ngày được. Khi uống còn có cợn nữa mà. Nhưng không uống sẽ chết khát, ráng nuốt.

View nhìn từ cabin thứ 4, cabin này gần đỉnh núi nhất, chỉ cách đỉnh khoảng 1,5km. Từ view này có thể nhìn thấy đỉnh. Nhưng cả nhóm quyết định bỏ cuộc tại đây, vì khi đi đến đây thì phải dừng lại ăn trưa, kiếm nước uống và nghỉ ngơi. Nguồn nước ở dưới suối, và xung quanh tuyết trắng bao phủ. Một bạn người Thái Lan của nhóm mình suýt bỏ mạng khi leo xuống con suối để lấy nước. Vì đường quá nguy hiểm nên không thể chụp hình được. Tổng thời gian leo xuống lấy nước và leo lên là hơn 2h leo. Nếu đi tiếp tới đỉnh thì sẽ không kịp quay lại cabin thứ 2 để ngủ. Vì cabin thứ 3 quá kinh khủng, không thể ngủ lại tiếp theo một đêm nào nữa. Bỏ cuộc tại đây.

Về tới cabin thứ 2 thì trời tối, người mệt lả đi vì kiệt sức và mất nước. Nhìn thấy ngọn đèn cứu hộ le lói trong đêm ở cabin thứ 2 mà đi hoài không tới. Trời tối, mà tụi mình không có chuẩn bị đèn pin nên không thấy đường đi nữa. Lúc này phải hú thật to để mọi người trong cabin có thể nghe thấy, mang đèn pin đến rước tụi này về. Kết thúc hành trình leo với một đêm ngủ chập chờn ở cabin thứ 2. Lần này ấm áp hơn, nhưng mình vẫn không ngủ được vì chân tay rả rời và kiệt sức. Cả nhóm bảo nhau, nếu muốn leo nữa thì 3 tháng luyện tập là không đủ. Phải về tập chạy tiếp thôi.

Sáng ngày thứ 3 cả nhóm thong thả dậy ăn sáng và về lại điểm xuất phát.

Bình minh trên đường về cabin thứ 1.

Hành trình trở về lại điểm xuất phát. Mặt hớn hở vì đã về an toàn.

 Về lại điểm xuất phát khoảng gần 11h trưa, gọi taxi trở về trường để hôm sau đi học tiếp. Nhiệt độ bây giờ là khoảng 2 độ vào lúc gần 12h trưa. Cho nên có thể nói rằng đêm hôm qua khi ở trên núi, cả nhóm không ngủ được vì lạnh, nhiệt độ ban đêm có thể xuống dưới 0 độ tại thời điểm mình leo.

Kể thêm:

Ở cabin ngủ thứ 3 đã có chuyện li kì xảy ra. Chuyện là một trong 4 đứa tụi mình đã mất hồn vì nghĩ là có ma trong cabin thứ 3 đó. Số là mỗi đứa một túi ngủ, thằng bạn nằm kế bên mình nó nhờ mình kéo giúp nó cái dây kéo của cái túi ngủ lên, nó không tự kéo được vì mặc đồ nhiều nên túi ngủ vừa khít với nó. Túi ngủ của mình thì size M ~ dài 170 cm, mình có 150cm nên vô tư vùng vẫy. Cả đêm nhóm mình đều nằm thức nhưng không ai nói với nhau tiếng nào, cố ngủ để ngày mai tiếp tục leo. Bên ngoài thì gió rít từng cơn, lạnh nổi cả da gà. Sáng ra, thằng bạn Thái Lan hỏi tụi mình, “tụi bây có đứa nào kéo túi ngủ của tau xuống không vậy?” Mấy đứa nhìn nhau bảo “ai rảnh mà kéo túi ngủ của mày xuống làm gì, lạnh đến nổi còn không dám cựa người nữa mà”. Nhưng nó bảo, khi nó thức dậy thì túi ngủ của nó đã mở ra hết 1/2 người – Điều này không bình thường chút nào. Vì nếu không cố ý thì không thể mở cái túi ngủ từ bên trong, vì nằm ngủ tay chân phải thẳng ra, không co lại được. Và thằng bạn xanh cả mặt. Khi về tới nhà, nó search trên mạng thì biết rằng, cabin thứ 3 này không có người ngủ vì đây là cabin dành để đặt những người bị tử vong hoặc bị thương trong quá trình leo núi, đợi trực thăng đến hốt về. Nó lạnh cả xương sống. Và tôi cũng vậy.

— Hết—

Tiếp theo Phần 2 sẽ là Núi Nanhu – Nanhushan.

Leo núi Đài Loan (Phần 3) – Núi Xueshan (Cao thứ 2 Đài Loan)

Leo núi Đài Loan (Phần 4) – Núi Yushan (Cao nhất Đài Loan)

10 thoughts on “Leo núi Đài Loan ( Phần 1) – Qilai Moutain

    1. Thì bạn có thể ngủ ở cabin 2 hoặc 4, đừng ngủ ở cabin 3 là được. Nhưng núi này số người chết cũng nhiều nên mệnh danh là Núi đen đấy. Khá nguy hiểm cho người lần đầu leo đấy, dễ bỏ mạng như chơi.

      Like

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s