Đã gần 1 năm rồi mình mới viết blog trở lại. Một năm vừa qua có quá nhiều sự thay đổi và mất mát xảy ra với mình và gia đình. Sau khi Việt Nam mở cửa trở lại (không còn những chuyến bay “giải cứu”), thì mình đã về được Việt Nam.
Mình về Việt Nam đến nay đã được 2.5 tháng. Lần trở về này mình mang rất nhiều cảm xúc và tâm trạng, nên muốn ghi lại.
Mình không bị sốc văn hóa ngược như lúc trở về từ Đài Loan.
Những ai từng sinh sống ở nước ngoài lâu, khi về nước sẽ có tình huống bị sốc văn hóa “ngược” khi trở về nước. Thường thì người ta bị sốc văn hóa khi ra nước ngoài, nhưng những người ở nước ngoài trở về vẫn bị “sốc văn hóa” như thường. Mình từng học 2 năm thạc sĩ ở Đài Loan, về Việt Nam mình bị “dội” ngay vào mặt bởi tiếng còi xe inh ỏi, tiếng chửi bới, la hét của hàng xóm hay tiếng karaoke hát ngày đêm quên cả nắng mưa. Hay những lúc phải đi làm các thủ tục hành chính thì nhân viên quạu quọ, cảm giác như đi ăn mày ăn xin chỉ để lấy được tờ giấy có đóng dấu. Hay như đi xe buýt thì bị tiếp viên chửi vút mặt không kịp khi mình loay hoay không biết cách mua vé xe. Thời điểm đó mình bị “sốc” vì mình so sánh những gì mình nhận được khi sống ở nước ngoài và lúc trở về Việt Nam. Mình đã nhớ những cử chỉ nhẹ nhàng dễ thương của cô nhân viên hay bác tài xe buýt tốt bụng nhiệt tình ở bên Đài Loan. Vì “sốc” quá mà chỉ sau hơn 3 tháng ở Việt Nam, mình quyết định nộp hồ sơ học tiến sĩ để “được” đi ra nước ngoài tiếp.
Và rồi sau hơn 4 năm học tiến sĩ ở New Zealand, mình “được” trở về. Mình vẫn bị sốc, sốc lên sốc xuống luôn, nhưng không còn là sốc văn hóa ngược nữa. Kể nghe vui nè.
Bước xuống sân bay là toát hết cả mồ hôi hột. Mình đang ở New Zealand tận hưởng cái lạnh dìu dịu của mùa thu 15 – 18 độ C, thì xuống sân bay Tân Sơn Nhất một phát mở điện thoại lên coi, 38 độ. Mình từng than nóng với tụi bạn khi nhiệt độ ở New Zealand lên 25 độ, vậy mà giờ 38 độ, mồ hôi mình chảy từ lưng xuống tới chân. Chưa kể xếp hàng san sát nhau để làm thủ tục kiểm tra giấy tờ covid các kiểu. Vài ngày sau thì nhiệt độ có hôm lên đến 40 độ, real feel còn lên đến 42 độ. Lúc đó chỉ có thở thôi mình cũng thấy mệt luôn.
Thêm nữa, trước khi đi New Zealand, mình có mang theo 200k tiền Việt để lúc về thì tự bắt xe mà về. Lần này về, kéo xe ra đặt taxi về thì bạn nhân viên ở sân bay nói là 170k, mình giật mình luôn ” Ủa, 5 năm trước từ Đài Loan về có 50k mà” Bạn ấy bảo làm gì có giá đó nữa chị. Mình vẫn không tin, kéo vali ra ngoài để đón taxi dù, có khi rẻ hơn. Anh taxi thấy mình thì mừng phấn khởi hỏi:
“Về đâu em ơi, anh lấy rẻ cho”,
“Về Bàu Cát nhiêu anh?”
“250k thôi em ơi”
Và rồi không có câu trả lời nào từ mình nữa, mình cảm ơn rồi quay lưng kéo xe đẩy quay trở lại sân bay mua vé trong sự ngỡ ngàng của anh tài xế taxi.
Ngồi trên xe trở về nhà, đoạn đường chỉ có 4 km thôi mà lòng mình trào dâng cảm xúc. Đường phố vắng hẳn so với lúc mình ra đi, bác tài còn nói: dịch đợt rồi chết nhiều lắm rồi con, những người còn sống thì số nhiều cũng ở quê chưa có lên. Nghe mà đau cả lòng. Vì thời điểm đỉnh dịch, mẹ và em trai mình cũng phải đi cách ly, những tưởng mẹ mình đã không thể trở về vào lúc đó, nhưng may quá vẫn bình an. Vì thế mình cũng biết chút ít về tình hình ở Việt Nam, chứ trước đó nghe nói chứ không thực sự quan tâm lắm. Về Việt Nam nghe kể lại chi tiết mà sốc lên sốc xuống, kiểu, chuyện này chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam mà thôi.
Và rồi, vẫn tiếng còi xe inh ỏi, tiếng karaoke thanh thảnh trong những ngày nắng nóng 40 độ, tiếng khoan tường đục bê tông vẫn như đóng đinh vào đầu, và vẫn bị càm ràm khi đi xe buýt, vân vân. Mọi thứ vẫn như 5 năm trở về trước, nhưng mình không còn “sốc” nữa ….. vì mình thực sự cảm ơn là đã được về. Thay vào cảm giác sốc văn hóa thì mình cảm thấy thật thân thương, nhà đây rồi, Việt Nam đây rồi.
Nhà cao tầng và những mảnh đời bất hạnh
Hơn 4 năm thôi mà mình không còn nhận ra Sài Gòn nữa. Con đường mà mình hằng ngày đi xe buýt xuống Thủ Đức học, nhìn từ trên xuống chỉ thấy những khu ổ chuột chạy dọc theo bờ sông Sài Gòn, bây giờ là hàng chục, có khi hàng trăm tòa nhà cao tầng, chung cư cao cấp, khu thương mại san sát nhau. Và so với nhiều năm về trước thì người ăn xin và vô gia cư ít hơn hẳn. Nhưng buồn thay, sự ít đi này không tỉ lệ thuận với sự phát triển của thành phố. Những mảnh đời bất hạnh kia có lẽ đã bị quét theo cơn đại dịch năm ngoái rồi và những người còn trụ lại được nơi này cũng là một sự “may mắn”. Sự phân hóa giàu nghèo càng trở nên rõ rệt hơn, khi mà việc kiếm vài tỉ hay vài chục tỉ chỉ trong 4 năm qua là chuyện hoàn toàn có thể hoặc khá dễ để kiếm được đến mức mà đi đâu mình cũng được nghe nói đến. Trong khi đó, có những gia đình mình quen biết còn không có nổi miếng cơm ăn vì không có việc làm do covid.
Ở New Zealand vẫn có ăn xin và vô gia cư, nhưng ở một đẳng cấp khác hẳn. Số nhiều trong đó chỉ xin tiền hút thuốc và uống bia. Có lần mình đi làm thêm về, cho họ hộp đồ ăn được chuẩn bị bởi đầu bếp nhà hàng, họ không lấy, họ nói họ chỉ lấy tiền thôi. Ở Việt Nam thì ăn xin nhiều vô kể, nhưng cũng không hiếm những trường hợp già cả, tật nguyền, mẹ dẫn theo con nhỏ đi lượm ve chai, bán vé số để kiếm sống qua ngày.
Yêu thương và kiên nhẫn
Thay vì cảm giác sốc văn hóa, mình đã khao khát được trở về Việt Nam. Mình sẵn sàng bỏ ra cả chục ngàn đô New để được “giải cứu” trở về Việt Nam vào thời điểm năm ngoái (2021) nhưng vẫn không thể về. Ba mình khi đó đang mong mỏi từng ngày để được gặp con gái lần cuối (Ba mình bị ung thư phổi, và đã ra đi vào tháng 11.2021). Mẹ và em trai thì đang ở trại cách ly covid, không biết mẹ sống chết ra sao vì mẹ đã ngoài 60 tuổi rồi. Chưa một lần nào mình mong mỏi được trở về đến thế. Ngày trở về, mình không còn mang quá nhiều định kiến nữa.
Mình hoàn toàn đứng ngoài lề cuộc sống trong khi mọi người quằn lưng chống dịch ở Việt Nam. Cuộc sống ở New Zealand quá nhẹ nhàng, không dịch bệnh nhiều, nhu yếu phẩm đầy đủ. Có lần, mình đang gọi điện về cho mẹ, trong lúc nói chuyện với mình thì mẹ được thông báo có người đến phát rau miễn phí, mẹ đã quăng cái điện thoại để đi nhận rau ăn vì cả tuần này không có rau củ gì ăn hết. Mình thương rớt nước mắt luôn. Đó là cuộc sống của nhà mình, khi còn có tiền để mua đồ ăn mà không thể mua được.
Cuộc sống của Ba mình thì khốc liệt hơn. Vì dịch bệnh nên không thể đến bệnh viện lấy thuốc giảm đau được. Nếu bạn đã đọc qua cuốn sách “Điểm đến cuộc đời” của Đặng Hoàng Giang, thì bạn sẽ biết được sự đau đớn cho đến chết của những bệnh nhân bị ung thư nhưng không được nhận thuốc morphin giảm đau hay “trợ tử”. Ba mình cũng thế, sự đau đớn quá mức làm cho Ba mình chết đi sống lại vài lần, cho đến khi bác sĩ đến được tận nhà tiêm morphin cho Ba vào những ngày cuối đời. New Zealand vừa thông qua đạo luật “Quyền được chết”, nghĩa là công dân có quyền được “ra đi” theo nguyện vọng của họ, để được giải thoát khỏi những đau đớn do bệnh tật hoặc tuổi già. Ở Việt Nam vẫn chưa có quyền “trợ tử”, nhưng kể cả việc cung cấp thuốc giảm đau liều mạnh như morphin cho các bệnh nhân ung thư vẫn còn rất nhiều bất cập (morphin là tên gọi khác của thuốc phiện). Mình đọc cuốn sách “Điểm đến cuộc đời” trước cả khi biết Ba mình bị ung thư, nhưng vẫn không thể cảm thấu hết nỗi đau mà Ba phải chịu khi mình không có ở bên.
Bao nhiêu chuyện xảy ra nên mình trở về với một tâm thế hoàn toàn khác. Mình yêu thương cuộc sống này, kiên nhẫn và thấu hiểu nhiều hơn, bớt phàn nàn về những điều khác biệt, bớt so sánh vì Việt Nam và New Zealand hay Đài Loan là những đất nước hoàn toàn khác biệt về thể chế chính trị, giáo dục, văn hóa và con người. Mình cảm thấy may mắn vì đa số những người bạn, người thân của mình vẫn vượt qua được cơn đại dịch dù gặp nhiều khó khăn.
Nếu bạn đọc bài viết này, mình mong mọi điều tốt lành đến với bạn và gia đình. Hãy yêu thương khi còn có thể, về với gia đình khi vẫn còn được gặp người thân yêu. Mình rất vui vì được trở về, về với mẹ với em trai, với gia đình, được nghe tiếng yêu thương và những cái ôm thật chặt.
Thân yêu!
cũng mong những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn phía trước. Cố lên!
LikeLike
Cảm ơn bạn rất nhiều
LikeLike
Chúc chị mọi điều tốt đẹp nhứt!! ❤
LikeLike
Cảm ơn em nhiều lắm. Em cũng vậy nghen
LikeLiked by 1 person
Mong bạn bình yên và mạnh mẽ tiếp tục bước cùng mẹ và em trong những ngày tiếp theo. Còn có thể tương phùng, nghìn trùng nào cũng có thể đi. Chỉ sợ người ko còn nữa, không biết đi đâu tìm kiếm lại được
LikeLiked by 1 person
Cảm ơn bạn đã động viên rất nhiều.
LikeLiked by 1 person
Mình cũng từng khao khát được trở về như bạn, đọc bài này làm mình nghĩ tới chuyến trở về hồi tháng 5, nhìn ba mẹ già đi mà không khỏi xót xa.
LikeLiked by 1 person