Mình đang học tiến sĩ ngành Vật Lý, nhưng thực tế mình không phải dân chuyên Lý. Lúc học đại học thì từng rớt môn Vật Lý, mà giờ vô ngay “ổ” Vật Lý luôn mới chết chứ. Vì là hồi học thạc sĩ, mình làm về mảng cảm biến trong y sinh, sau đó nộp hồ sơ qua New Zealand vì tìm thấy một dự án phù hợp với ngành mình học ở thạc sĩ, nhưng đắng lòng thay nó lại thuộc khoa Vật Lý. Nói cụ thể hơn thì mình nghiên cứu về hướng Vật Lý Ứng Dụng. Vì tính chất nghiên cứu của mình là làm việc nhiều trong phòng thí nghiệm hay nói cách khác là 90% thời gian của mình là để làm thí nghiệm, cho nên hôm nay mình sẽ chia sẻ một chút về phòng thí nghiệm mình đang làm ở New Zealand nhé.
Đầu tiên, phòng thí nghiệm của mình được gọi là Phòng Sạch (Cleanroom) vì các thiết bị tụi mình nghiên cứu đòi hỏi sự chính xác cao nên chỉ cần một chút bụi bặm cũng đủ làm nó không hoạt động rồi. Từ ngoài vào trong phải đi qua 3 lớp cửa, mỗi lớp cửa đều phải quét thẻ sinh viên mới được vào. Thẻ sinh viên này phải đăng kí với trường và có xác nhận của giáo sư hướng dẫn thì mới có hiệu lực, và chỉ có hiệu lực với phòng thí nghiệm đã được đăng kí thôi, chứ không phải muốn vô phòng thí nghiệm nào cũng được vì trong phòng thí nghiệm toàn hóa chất với thiết bị máy móc.
Lớp cửa thứ nhất là nơi rửa tay, cởi bỏ áo khoác và vật dụng cá nhân nếu cần. Lớp cửa thứ 2 dùng để mặc áo thí nghiệm, mang bao tay, bao chân và mũ trùm đầu. Và sau khi hoàn tất việc này thì mới quẹt thẻ để vào lớp cửa thứ ba- bên trong phòng thí nghiệm. Vì trong phòng thí nghệm không chỉ có các thiết bị mà còn có rất nhều hóa chất, một số trong đó rất độc hại nên hầu như sinh viên làm việc trong phòng này đều phải học qua khóa “An toàn trong phòng thí nghiệm”.

Phòng thí nghiệm khá rộng rãi, đủ cho khoảng 10 người làm việc cùng một lúc.

Trong phòng thí nghiệm có đầy đủ các thiết bị phục vụ cho việc chế tạo các thiết bị với độ chính xác cao và siêu nhỏ – chỉ có thể nhìn qua kính hiển vi thôi. Vì phải nhìn liên tục qua kính hiển vi nên đôi mắt cận của mình càng ngày càng tệ. Chỉ sau 7 tháng làm việc trong phòng thí nghiệm thôi mà mình đã phải đi đo lại mắt và mua cái mắt kính mới. Đắng lòng quá đi thôi.

Các thiết bị ở đây hiện đại hơn nhiều so với phòng thí nghiệm của mình ở Đài Loan. Lúc mới qua New Zealand, mình phải được đào tạo sử dụng những thiết bị này mới được làm việc, và có 2 bạn phụ trách hướng dẫn mình sử dụng máy móc. Có thầy còn dọa mình là “máy này triệu đó em, làm cẩn thận”, nghe xong run tay không dám làm luôn vì sợ làm hỏng thì coi như đời tiến sĩ đi tong…..có khi phải bỏ học để trốn nợ chứ chẳng chơi. Hôm nào đang vận hành máy mà nghe thấy âm thanh lạ lạ phát ra là toát cả mồ hôi hột luôn. Tụi trong lab mình còn đùa nhau “Có khi học xong tiến sĩ thì bị bệnh tim luôn”

Hướng nghiên cứu của mình là chế tạo cảm biến sau đó ứng dụng nó vào trong y học. Nói đơn giản hơn là, bạn biết cái máy đo nồng độ đường trong máu không? Bên trong cái máy đó có 1 cảm biển để đo nồng độ đường khi bạn thử máu…thì nghiên cứu của mình cũng vậy, thay vì đo độ đường thì mình đo nồng độ Kali và một số chất khác. Việc mình làm là chế tạo một cảm biến có thể nhận biết các nồng độ khác nhau của Kali, hay Adenosine (thuốc điều trị loạn nhịp tim, giảm đau…. ). Các cảm biến mà tụi mình nghiên cứu vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm phòng thí nghiệm thôi.
Một góc làm thí nghiệm của mình đây:
Nếu bạn nào thích học kỹ thuật mà lai lai giữa điện tử và y sinh thì tìm hiểu về ngành này nhé – Kỹ thuật y sinh.
Việc học ở nước ngoài giúp mình phát huy hết sự sáng tạo từ việc lên ý tưởng, cách chế tạo cho đến ứng dụng mà mình mong muốn. Giáo sư của mình rất hổ trợ cho những ý tưởng của mình nếu mình đủ sức đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Ngoài ra mình không phải lo lắng về kinh phí thí nghiệm, hóa chất, vật liệu……vì trường và giáo sư lo hết. Việc mình làm là thử cho đến khi nào thành công thì thôi.
Học tiến sĩ theo mình mà nói thì đòi hỏi sự kiên nhẫn kinh khủng, nếu thử 1 lần không được thì thử 10 lần, 100 lần, rồi 1000 lần…..cho đến khi nào được thì thôi. Có những ngày làm hoài mà không có kết quả gì….muốn chửi thề luôn. Cho nên học tiến sĩ không có làm hết việc được đâu, chỉ có hết ngày rồi về mai lên làm tiếp thôi. Nhưng quan trọng là mình không chỉ học và làm việc theo đúng cái mà mình mong muốn, mà còn học về tư duy phản biện, cách làm việc tập thể sao cho hiệu quả, rồi dần dần mình cũng khắc phục thói quen học thụ động thay vì kiểu “thầy dạy-trò nghe” thì mình tích cực hơn trong việc đưa ra quan điểm của bản thân về một vấn đề nào đó, hay thuyết phục giáo sư về cái mình muốn làm thay vì theo ý của giáo sư…..
Hy vọng các bạn có thể tìm được học bổng đi du học để tiếp cận được nền giáo dục tiên tiến nhất, tạo cho bạn phát huy hết các lợi thế của bản thân. Du học không chỉ để học cái chữ mà còn học về cách sống, văn hóa, tư duy….
Nếu các bạn vẫn đang phân vân không biết bắt đầu tìm hiểu du học ở đâu thì có thể xem ở các post sau:
Học Bổng Du học – Chuẩn bị tinh thần
Học Bổng Du học – Quá trình xin học bổng
Học bổng du học – Các nguồn tìm học bổng
Câu chuyện apply học bổng chính phủ New Zealand
Đừng để ai nói rằng bạn không thể – Động lực xin học bổng.
Chúc các bạn may mắn và học tập tốt.
Hồi xưa ở VN em học đại học ngành cơ khí, chuyên về mảng gia công – manufacturing. Nay đi học master lái luôn sang Mems, em làm về synthesis particles. Cũng fail luôn tục.
LikeLike
Wow, em cũng học trái ngành. Mà lúc làm thí nghiệm, fail riết nên thấy bình thường luôn em. Vấn đề là phải thử cho đến khi ra kết quả thì thôi.
LikeLike
em thì không stress lắm , nhưng đồng bọn và thầy thì sốt ruột hộ =) vì em học master thôi. 2 năm trôi vèo cái ấy , nhưng không có áp lực public báo chí nên cũng đỡ =) nói thật em đọc papers đến giờ vẫn confused vô cùng và nhiều lúc chả hiểu gì =)
LikeLike
Hehe. Hổng sao đâu em. Đâu phải cái gì cũng phải hiểu hết đâu ah.
LikeLike
hồi đầu fail buồn muốn chết. giờ fail hoài thấy whatever, mà fail nhiều quá nên dự định học phd đã chết luôn rồi =)
LikeLike
Haha. Qua NZ học PhD nè, khoẻ hơn ở Hàn ah.
LikeLike
Ở Hàn cái văn hóa làm việc của các bạn ý đáng sợ thật. Em thuộc dạng lười và lab em cũng dễ nên ko làm cuối tuần và overtime cũng không sao. Chứ nhìn bạn bè làm overtime rồi cuối tuần cũng lên lab chắc là em cũng phát điên =) làm overtime mà lương cũng ko thêm dc đồng nào.
LikeLike
Em cũng may mắn. Chị cũng sợ cách làm việc của người Hàn luôn, làm overtime mà còn bị giáo sư chửi có khi bị đánh luôn á.
LikeLike
Em không hài lòng với hướng nghiên cứu của em lắm, chỉ được cái là giáo em cũng tốt. Không em bỏ về rồi hoặc người ta đuổi em rồi. Nếu em có thể xin học bổng toàn phần sang các nước phát triển thì có lẽ em sẽ nghĩ tới học tiếp. Chứ quanh quẩn ở châu á thì thôi =)
LikeLike
Thì học tốt bên đó đi để có cái profile đẹp đẹp rồi apply đi tiếp nè.
LikeLike